Những thương hiệu xe hơi Pháp tại Việt Nam: có hãng chỉ bán duy nhất 1 dòng xe!
- 2,710 lượt xem
Nếu như nhiều đại diện đến từ Đức liên tiếp gặt hái thành công trong phân khúc cao cấp, các mẫu xe Nhật Bản, Hàn Quốc chen chúc phục vụ phân khúc bình dân và tầm trung thì cuộc đổ bộ của những thương hiệu Pháp trên xứ sở hình chữ S lại “không như là mơ”.
Citroen - Lịch sử vang bóng và lần trở lại “hụt”
Có lẽ không nhiều người nhớ đến những chiếc xe Citroen đầu tiên lăn bánh tại Việt Nam, ngoại trừ La Dalat vang bóng một thời những năm 1970. La Dalat được xem là chiếc xe hơi dân dụng đầu tiên mang thương hiệu Việt, được lắp ráp và sản xuất hàng loạt ở Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%. Tuy nhiên, điều đó cũng không cứu vãn được tình hình bết bát của Citroen. Hãng xe Pháp sau đó rút khỏi Việt Nam vào năm 1975, và mãi cho đến gần 40 năm sau mới quay trở lại dải đất hình chữ S với nhà phân phối duy nhất tại TP.HCM.
Giá trị lịch sử không thực sự mang lại nhiều lợi thế cho Citroen trong lần trở lại, còn chiến lược định giá cao nhằm đánh vào tâm lý sính ngoại của người Việt đương thời (2011) có vẻ không phát huy tác dụng. Bằng chứng là chiếc hatchback cỡ nhỏ Citroen DS3 đã không nhận được phản hồi tốt từ thị trường với doanh thu khá èo uột, mặc dù xét về thiết kế, mẫu xe này vẫn ghi điểm về khía cạnh thẩm mỹ độc đáo rất ấn tượng của người Pháp. (Đầu năm 2021 một đại lý nhập khẩu tư nhân cũng vừa đưa về Việt Nam chiếc xe đô thị 2 chỗ chạy điện Citroen Ami có thiết kế vô cùng lạ mắt.)
Việc lựa chọn DS3 - một mẫu xe có thiết kế 3 cửa và đối đầu trong một phân khúc cực kén khách với các đối thủ như hai anh em Volkswagen Beetle và Scirocco hay đại diện châu Á Hyundai Veloster, cũng góp phần đưa đại diện tiên phong này nhanh chóng vào ngõ cụt.
Cũng cần phải nói thêm là tại thời điểm đó, khách hàng nào muốn “sang chảnh” sẽ sắm hàng Đức trong khi giới bình dân luôn hướng đến các mẫu xe “ăn chắc mặc bền” của Nhật Bản như Toyota Vios hay Innova. Citroen lựa chọn chiến lược xe châu Âu bình dân bán giá tầm cao cấp và ngay lập tức bị “mắc kẹt”. Đầu không xuôi thì đuôi khó lọt. DS3 là mẫu xe duy nhất và cũng là cuối cùng được phân phối chính hãng đến tay khách hàng Việt Nam. Hiện tại vẫn chưa hề có tín hiệu hãng xe sẽ sớm trở lại thị trường 100 triệu dân trong thời gian sắp tới.
Renault - viên kim cương không tỏa sáng
So với Citroen có lịch sử lâu đời nhưng lại chỉ “xuất quân” được một con tốt duy nhất đã lặng lẽ rời cuộc chơi trong lần trở lại mới đây, cái tên Renault vẫn được ít nhiều khách hàng biết đến với hàng loạt mẫu xe ra mắt như Talisman, Koleos, Duster hay Latitude, với số lượng showroom có lộ trình “phủ” khắp Việt Nam khá nhanh chóng kể từ lần trở lại vào năm 2010, rất nhiều thập kỷ trôi qua kể từ khi xe được nhập khẩu vào Việt Nam thời Pháp thuộc.
Mặc dù có khởi đầu thuận lợi hơn, với nhiều lựa chọn đa dạng hơn người đồng hương Citroen song Renault cũng không tránh khỏi vết xe đổ với chiến lược định giá cao cấp, khó cạnh tranh với các đối thủ Đức về độ sang trong khi quá tầm với của giới bình dân. Nhà phân phối bấy giờ là Auto Motors Vietnam sau đó vẫn duy trì chiến lược giá cao cấp, và thay đổi chiến lược sản phẩm khi liên tiếp mang về Việt Nam những thiết kế “độc lạ” hơn nhằm thuyết phục khách hàng xuống tiền.
Tuy nhiên tình hình vẫn không mấy khả quan với những chiếc xe của thương hiệu mang logo hình kim cương. Đến năm 2017, sau khi Auto Motors Vietnam tuyên bố rút lui khỏi thị trường, thương hiệu Renault cũng dần dần “chìm xuồng” tại Việt Nam, cho đến khi xuất hiện nhà phân phối mới vào năm 2019.
Từ đó đến nay, thương hiệu Pháp vẫn chưa có bước tiến đáng kể nào trong hành trình chinh phục khách hàng Việt, doanh thu vẫn không có tín hiệu khởi sắc, dù có lợi thế đúc rút kinh nghiệm đau thương vài năm trước đó.
Peugeot - Sư tử Pháp gầm gừ chiến thắng
Tuy có phần muộn màng hơn, song thương hiệu sư tử Pháp đã có màn nhập gia tùy tục đầy tính thực dụng sau khi bắt tay với “ông lớn” Trường Hải vào năm 2013. Ngay lập tức hãng đã cho ra mắt những mẫu xe lắp ráp trong nước như Peugeot 408 với mức giá cạnh tranh hơn, đồng thời có hệ thống showroom phủ toàn quốc.
Điều này mang đến cho hãng xe Pháp những thành công nhất định về độ nhận diện, số lượng dòng xe cũng như thị phần cùng mức tăng trưởng doanh số ấn tượng trong những năm vừa qua - những con số đáng mơ ước đối với các thương hiệu đồng hương, song vẫn còn cách biệt khá xa so với các thương hiệu đang chiếm lĩnh thị trường như Hyundai, Toyota hay mới đây là “chú lính chì” Vinfast.
Mới đây, hãng cũng mới ra mắt bản facelift của chiếc SUV Peugeot 3008 với đường nét thiết kế ấn tượng, mức giá cạnh tranh tốt với các đối thủ Nhật, Hàn như Honda CR-V, Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson. Với bộ ba Peugeot 2008, 3008 và Peugeot 5008 phủ sóng hầu hết mặt trận SUV quan trọng, thương hiệu Pháp này vẫn đang cho thấy tương lai “sáng cửa” hơn những người đồng hương.
Tham khảo: Bảng giá xe Peugeot