Giới thiệu hãng xe Trung Quốc SAIC Motor - trực tiếp phân phối xe MG tại Việt Nam
- 1,960 lượt xem
Ngày 29/7 vừa qua, báo chí Malaysia đăng tải thông tin về việc Tan Chong Motor Holdings Bhd (Tập đoàn từng phân phối Nissan tại thị trường Việt Nam) đã thông qua văn bản liên kết hợp tác với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc SAIC Motor về việc lấn sân sang thị trường Việt Nam.
Những công việc sẽ được 2 bên triển khai trong tương lai đó là lắp ráp, bán, nhập khẩu và phân khấu xe cơ giới ở nước ta.
“Thiên đường tương lai” - Việt Nam
Việt Nam là một đất nước có dân số đông thứ 15 thế giới với con số lên tới hơn 97 triệu người. Đáng chú ý là tương ứng với số dân trên chỉ là 3 triệu xe, tính trung bình 20 xe/1 nghìn người dân, một tỉ lệ rất nhỏ khi so sánh với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.
Lướt qua những người hàng xóm của chúng ta, con số là 341 xe/1.000 dân tại Malaysia, tại Thái Lan là 196 xe/1.000 dân. Và đặc biệt là khi so với các quốc gia phát triển thì con số của Việt Nam thực sự vô cùng lép vế như Italia 602 xe/1000 dân, Úc 556 xe/1000 dân.
Những con số trên cho thấy dư địa của ngành công nghiệp ô tô tại nước ta quá lớn và là nơi có tiềm năng kinh doanh đặc biệt màu mỡ trong tương lai.
Theo như ông Lê Huy Khôi, phụ trách Phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường của IPSI (Viện nghiên cứu chính sách, chiến lược Bộ Công Thương) thì dự báo tăng trưởng tiêu thụ xe của Việt Nam sẽ đạt mức 22,6%/năm trong giai đoạn 2018-2025, dao động khoảng 18,5%/năm trong giai đoạn 2025-2035.
Theo đó, xu hướng phổ cập ô tô cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2030. Vào thời điểm này, dự báo thị trường ô tô có thể đạt 750.000-800.000 xe vào năm 2025 và đến năm 2035 sẽ đạt từ 1,7 triệu đến 1,85 triệu xe.
Đây là những sự thật rất rõ ràng và các thương hiệu sản xuất ô tô đều biết điều đó, chỉ cần nắm được thì phần nhỏ trên miếng bánh màu mỡ trên cũng đủ để mang tới những lợi nhuận kếch xù. SAIC không phải là ngoại lệ, họ biết và nhìn thấy toàn cảnh bức tranh trên.
“SAIC” là ai ?
SAIC tên đầy đủ là Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải (Shanghai Automotive Industry Corporation). Có thể nghe tới đây nhiều bạn đọc sẽ lắc đầu vì rất nhiều thương hiệu tới từ Trung Quốc đã từng làm thất vọng khách hàng nước ta về chất lượng và uy tín sản phẩm. Tuy nhiên, bạn hãy lướt qua những thông tin hết sức “bề thế” của công ty này.
SAIC là 1 trong 100 công ty lớn nhất thế giới do Fortune xếp hạng, là 1 trong 4 tên tuổi lớn nhất trong ngành sản xuất ô tô Trung Quốc, cùng với Changan, FAW và Dongfeng. Đáng chú ý, SAIC được xem là có nhiều tiềm năng dẫn đầu nhất và sẽ thống lĩnh vững chắc thị trường cùng hàng loạt lợi thế từ sự bảo hộ của chính phủ.
Cụ thể, trong năm 2018 SAIC bán được hơn 7,05 triệu xe (hơn gấp đôi tổng số lượng ô tô đang có mặt tại nước ta), giữ vị trí số 1 trong các hãng xe nội địa Trung Quốc và chiếm 25% tổng dung lượng thị trường.
SAIC có tới 6 nhà máy khổng lồ ở Trùng Khánh, Liễu Châu, Thanh Đảo, Thượng Hải, Thẩm Dương và Yên Đài. Trên thị trường quốc tế, hãng có các nhà máy tại Anh, Thái Lan và Ấn Độ. Trụ sở của công ty ở Thượng Hải.
Ngoài ra, công ty này cũng liên doanh phân phối với nhiều thương hiệu lớn khác General Motors (Mỹ) và Volkswagen AG (Đức) tại Đại Lục.
Sản phẩm của SAIC cung cấp ra thị trường với nhiều thương hiệu con khác nhau. Tuy nhiên, tiêu biểu và thành công nhất chính là 3 cái tên MG, Roewe và Maxus. Hãng cũng không dấu tham vọng sẽ sớm phát triển mạnh và trọng tâm vào mảng xe điện trong tương lai.
Ngoài ra, SAIC còn sở hữu trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn tại Vương quốc Anh, Trung tâm kỹ thuật SAIC Motor UK, trung tâm này luôn có những kỹ sư và nhà thiết kế hàng đầu thế giới. Đây là địa điểm chính trên toàn thế giới để phát triển xe hơi MG và đóng vai trò chính trong việc phát triển các sản phẩm Roewe.
SAIC cũng được xem là tập đoàn lâu đời cùng bề dày lịch sử khá vẻ vang. Công ty được thành lập vào năm 1940 với sự đứng sau của chính phủ. Trải qua 79 năm, hiện nay nhà nước Trung Quốc vẫn là cổ đông lớn của SAIC.
SAIC sắp vào Việt Nam - Ngược dòng quá khứ
Chúng ta hãy cùng nhau quay ngược chiều kim đồng hồ quay về cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó đại bộ phận dân số nước ta đều sử dụng phương tiện đi lại là xe đạp, những chiếc xe máy Honda, Suzuki chỉ dành cho tầng lớp trên có thu nhập cao của xã hội.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau hàng loạt các mẫu xe máy tới từ Trung Quốc ồ ạt xuất hiện như Loncin hay Lifan với mức giá cực rẻ. Với sự cạnh tranh gay gắt, những thương hiệu lớn khác như Honda, Yamaha, Suzuki cũng phải nỗ lực giảm giá thành cho sản phẩm của mình. Qua đó, mọi người dân đều có thể có cơ hội tiếp cận với những chiếc xe có mức giá phù hợp.
Chính những sản phẩm tới từ Trung Quốc đã tạo ra bước ngoặt phổ cập xe 2 bánh ở nước ta. Và giờ đây, 20 năm sau SAIC xuất hiện trong bối cảnh việc sở hữu ô tô tại Việt Nam khó khăn như việc sở hữu xe 2 bánh trước kia.
Liệu lịch sử có được lặp lại ? Liệu sẽ có cuộc cách mạng về giá ô tô trong những năm tới đây ? Có lẽ chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác cho 2 câu hỏi trên.
Tuy nhiên, chắc chắn việc SAIC ra mắt ở Việt Nam sẽ giúp khách hàng nước ta có nhiều sự lựa chọn hơn cùng một mức giá rất phải chăng. Bởi lướt qua những thị trường mà thương hiệu này xuất hiện, hãng luôn có mức giá rẻ hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh của mình.
Do đó, sự kiện SAIC ra mắt ở Việt Nam trong tương lai được xem là sự kiện gây áp lực cho nhiều hãng xe nhưng lại là đáng mừng cho đông đảo khách hàng Việt Nam - Nơi mà khát vọng “4 bánh” đang trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Tham khảo những hãng xe mới tại VN: